Bài học về sự tiết kiệm
Trước kia, Thông tấn xã Việt Nam hàng ngày đều đưa bản tin lên cho Bác xem. Khi in một mặt, Bác phê bình là lãng phí giấy. Sau đấy Thông tấn xã in hai mặt bằng rônêô, nhoè nhoẹt khó đọc hơn nhưng Bác vẫn đọc. Sang năm 1969, sức khoẻ Bác yếu và mắt giảm thị lực, Thông tấn xã lại gửi bản tin in một mặt để Bác đọc cho tiện. Khi xem xong, những tin cần thiết Bác giữ lại, còn Người chuyển bản tin cho Văn phòng Phủ Chủ tịch cắt làm phong bì tiết kiệm hoặc dùng làm giấy viết. Ngày 10-5-1969, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu bản Di chúc lịch sử bằng mực xanh vào mặt sau tờ tin Tham khảo đặc biệt ra ngày 3-5-1969. Từ giữa năm 1969, sức khoẻ Bác yếu đi nhiều nên Bộ Chính trị đề nghị: Khi bàn những việc quan trọng của Đảng, Nhà nước thì Bác mới chủ trì, còn những việc khác thì cứ bàn rồi báo cáo lại sau, Bác cũng đồng ý như vậy.
Tháng 7, Bộ Chính trị họp ra nghị quyết về việc tổ chức 4 ngày lễ lớn của năm: ngày thành lập Đảng, ngày Quốc khánh, ngày sinh Lênin và ngày sinh của Bác. Sau khi Báo Nhân dân đăng tin nghị quyết này, Bác đọc xong liền cho mời mọi người đến để góp ý kiến: “Bác chỉ đồng ý 3/4 nghị quyết. Bác không đồng ý đưa ngày 19-5 là ngày kỷ niệm lớn trong năm sau. Hiện nay, các cháu thanh thiếu niên đã sắp bước vào năm học mới, giấy mực, tiền bạc dùng để tuyên truyền về ngày sinh nhật của Bác thì các chú nên dành để in sách giáo khoa và mua dụng cụ học tập cho các cháu, khỏi lãng phí”.
KẾT LUẬN VÀ CẢM NHẬN VỀ BÀI HỌC
Tuy đã cách đây nhiều năm, nhưng mỗi câu chuyện về Bác Hồ đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Gía trị từ những bài học đạo đức giản dị, chân thực mà ẩn chứa triết lý sâu sắc, thấm đẫm sức lay động lòng người, là tài sản tinh thần quý báu vô giá cho mỗi người dân nước Việt.
Bài học về sự tiết kiệm là một trong những câu chuyện có ý nghĩa giáo dục sâu xa như vậy.
Trước hết cần hiểu tiết kiệm là gì?
Tiết kiệm là dùng đủ, dùng đúng mức cần dùng, không thừa thãi lãng phí.
Tiết kiệm có phải là “hà tiện” không?
Không, ý nghĩa của 2 cụm từ này rất khác nhau.
Trong khi người tiết kiệm là người biết sử dụng hợp lý, có hiệu quả tiền của, thời gian, công sức lao động, ở phạm vi hẹp là nhằm tích lũy thêm vốn cho bản thân và gia đình, ở phạm vi rộng là giúp tiết kiệm cho xã hội (công sở nơi làm việc, địa phương nơi sinh sống…),
Tiết kiệm phải từ cái nhỏ đến cái lớn, không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi, phô trương, hình thức.
Người tiết kiệm là người biết cân đối, chi tiêu có kế hoạch, có tính toán, xem xét đầy đủ các yếu tố, nhằm giảm bớt hao phí trong quy trình sản xuất, trong hoạt động, nhưng vẫn đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Ngược lại, người hà tiện lại chỉ biết dè sẻn quá mức, mà có khi lại dè sẻn không đúng, đâm ra làm hỏng việc.
Đất nước ta chưa giàu, trong thời điểm hiện nay đang phải vừa tập trung phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa phải vận động, huy động nguồn lực toàn quân, toàn dân tham gia cuộc chiến chống bệnh dịch Covid… thì vấn đề tiết kiệm càng phải được quan tâm và thực hiện nghiêm túc. Toàn dân biết tiết kiệm mới có thể tăng thêm nguồn lực vật chất xây dựng đất nước, tiết kiệm chính là góp phần quan trọng giúp tăng thu nhập bình quân đầu người, đồng thời có thêm nguồn lực vật chất để chống lại đại dịch, bảo toàn vận mệnh quốc gia.
Tuy nhiên cần nhớ, mặc dù 2 chữ tiết kiệm luôn được Bác Hồ nhắc đến, nhưng đồng thời Bác cũng nêu rõ quan niệm “Tiết kiệm không phải là bủn xỉn, không phải là “xem đồng tiền to bằng cái nống”, gặp việc đáng làm cũng không làm, đáng tiêu cũng không tiêu.
Tiết kiệm cốt để giúp vào tăng gia sản xuất, mà tăng gia sản xuất là để dần dần nâng cao mức sống của toàn dân, chứ không phải tiết kiệm là hà tiện, tính toán chắt bóp quá mức, ép vào kiểu sống thiếu trước hụt sau. Nghĩa là phải hiểu tiết kiệm là tích cực, chứ không phải là tiêu cực.
Việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là rất cần thiết cho sự tu dưỡng đạo đức tác phong của cán bộ, đảng viên, công chức viên chức, người lao động… Thông qua những câu chuyện về đức tính cao đẹp của Bác làm cho mỗi người chúng ta phải biết tự nhìn lại mình. Liệu mỗi người trong chúng ta đã có lúc nào tự kiểm điểm bản thân, tự hỏi mình đã biết tiết kiệm trong cuộc sống, cụ thể là cho nơi mình đang làm việc? Thường khi, chúng ta đi ngang qua một căn phòng không có người nhưng vẫn trong tình trạng “quạt chạy vù vù, đèn bật sáng trưng…” chúng ta có dừng lại để “tắt, khi không sử dụng”, hoặc biết nhẹ nhàng vặn tắt một vòi nước đang chảy ròng nơi nhà vệ sinh công cộng, hay chúng ta chỉ lướt qua vô tình, thờ ơ như không? hoặc nhẫn nại sử dụng những tờ giấy nháp còn mặt trắng sạch, hoặc đơn giản là cố gắng chỉ in ấn, photo những gì thực sự là cần thiết cho công việc chung, tiết kiệm mực in và giấy, sức bền máy móc…hay chúng ta quan niệm “của công không cần đong đếm”?
TP Cần Thơ 22/4/2021
Lê Thị Hồng Nga