Đạo thầy trò qua ca dao, tục ngữ Việt Nam

 

ĐẠO THẦY TRÒ TRONG XÃ HỘI XƯA

QUA CA DAO, TỤC NGỮ VIỆT NAM

Như Ý

 

Từ xưa, ông cha ta đã quan niệm: “Ngọc bất trác, bất thành khí. Nhân bất học, bất tri lý” (Nghĩa là: Ngọc không mài giũa thì không thành đồ quý. Người không học thì không biết lẽ phải). Vậy học trước hết là để làm người. Đạo học cốt để phát huy đức sáng, đức tốt đẹp của con người, khiến lòng người bỏ cái ác theo cái thiện, giúp mọi người đạt đến mức độ đạo đức hoàn thiện nhất. Để có thể học làm người thì vai trò người thầy luôn chiếm vị trí rất quan trọng. Dù trong bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ chế độ chính trị nào hay trải qua mọi biến cố của lịch sử thì quy luật đó không bao giờ thay đổi. Người thầy trong xã hội xưa dù chỉ là một ông giáo làng bình thường, không sang giàu, không quyền cao chức trọng nhưng người ta vẫn rất mực tôn trọng, kính nể như một ông quan:

“Thầy làng không sang cũng trọng

Quan huyện không lộng cũng xe”

Bởi lẽ, dân tộc ta có tính hiếu học và rất biết ơn người có công dạy dỗ mình. Dù chỉ học một chữ hay nửa chữ, học một ngày hay bao lâu cũng mang ơn người dạy: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, “Nhất nhật vi sư” mà người xưa thường nói. Mang ơn thầy là bổn phận của người học, nhưng bổn phận này không chỉ là sản phẩm của lý trí thuần túy mà còn xuất phát từ một tấm lòng, một tình cảm thật sâu xa bền bỉ. Bởi người làm thầy phải là người biết thương mến, lo lắng cho học trò mình, biết cách dạy dỗ, hướng dẫn cho học trò mình phát triển, tiến bộ trở thành người tốt ở trên đời. Có vậy học trò và người đời mới thương mến, kính trọng thầy. Tinh thần tôn sư nói lên lòng tôn kính người thầy. Tinh thần đó bây giờ vẫn tồn tại ở nhiều người, nhưng không sâu đậm bằng ở các người xưa. Càng đi ngược về xưa, càng tìm hiểu về ca dao, tục ngữ chừng nào thì tinh thần đó càng sâu xa đậm đà chừng nấy. Và thiết nghĩ, cũng là hợp lẽ khi trở lại mạch nguồn này, tìm hiểu vai trò của người thầy giáo trong xã hội cũ cũng như truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được vun đắp từ bao đời nay, mà theo như cách nói của GS. Trần Đình Hượu, nghĩa là chúng ta “đến hiện đại từ truyền thống”

1. Tôn sư trọng đạo là bổn phận và trách nhiệm của người học trò

Tư tưởng trọng thầy trong ca dao, tục ngữ Việt Nam xưa không những thể hiện tư tưởng hiếu học, trọng kiến thức, trọng người tài mà còn là sự thể hiện truyền thống đạo đức “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc ta từ bao đời nay. Trong xã hội phong kiến, hình ảnh những thầy đồ dạy từng con chữ, dạy đạo lí làm người với “Tam Cương, Ngũ Thường” đã được cả xã hội thừa nhận tôn vinh bằng một vị trí đặc biệt “Quân – Sư - Phụ” (Thầy giáo đứng sau vua). Mỗi chữ thầy dạy là cả một bài học làm người. Vì thế, người ta khát chữ, tìm đến thầy để học đạo, mua chữ về để thờ. Mặt trời, mặt trăng là thiên thể vĩnh hằng, thế nhưng, mặt trời mọc toả ánh sáng rồi lại lặn, mặt trăng tròn chiếu rọi lung linh rồi lại khuyết. Còn ánh sáng của người thầy, ánh sáng của đạo đức, của tri thức thì luôn luôn sáng mãi, soi rọi mãi trong mỗi con người.

Chúng ta đều biết, mỗi người từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, luôn được chăm sóc, dạy dỗ bởi bàn tay, tấm lòng thương yêu, đùm bọc bao la của nhiều người theo bước đi của thời gian. Khi còn nhỏ, ta chịu ơn nghĩa sinh thành, nuôi dưỡng “như nước trong nguồn” không ngừng tuôn chảy của mẹ, cao “như núi Thái Sơn” của cha. Rồi khi lớn lên, cắp sách tới trường, thì chính thầy là người dìu dắt, chỉ bảo, truyền đạt tri thức giúp ta có thể trưởng thành, lập thân, lập nghiệp, lẽ đó mà ca dao, tục ngữ đã nhắn nhủ: “Mẹ cha công sức sinh thành/ Ra trường thầy dạy học hành cho hay”; “Công cha, áo mẹ, chữ thầy/ Gắng công mà học có ngày thành danh”... Thầy ở đây được hiểu là thầy trong nhà trường và cuộc sống. Vì nội dung học của con người rất phong phú “Học ăn, học nói, học gói, học mở” và sự học của con người là vô cùng “Học khôn học đến chết, học nết học đến già”; do đó, nếu chỉ học trong nhà trường là chưa đủ mà phải học ở mọi nơi, mọi lúc, cái gì cũng phải học. Ở đâu chúng ta cũng có thể tìm cho mình những người thầy, những điều đáng để học tập. Và học dù được ít hay nhiều cũng đều có giá trị, do đó, cha ông khuyên chúng ta phải có thái độ trân trọng những điều đã học được, biết ơn những người đã cho mình kiến thức, hiểu biết: “Một chữ nên thầy, một ngày nên nghĩa”. Nho gia phương Đông có lời dạy:

“Nhân hữu tam ân tình, khả sự như nhất:

Phi phụ bất sinh

Phi sư bất thành

Phi quân bất vinh".

(Con người ta có 3 ân tình phải coi trọng như nhau:

Không có “Cha” làm sao ta sinh ra được

Không có “Thầy” làm sao ta thành đạt được

Không có “Minh quân” - Vua sáng suốt, làm sao ta hiển vinh được).

Và ở Việt Nam ta cũng đã hiểu thấu được đạo lí ấy:

“Mấy ai là kẻ không thầy

Thế gian thường nói đố mày làm nên”

Không chỉ có học trò kính yêu, tôn trọng thầy giáo mà xã hội nói chung đều nhận thức được vai trò quan trọng của người thầy:

“Bồng bồng mẹ bế con sang

Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo

Muốn sang thì bắc cầu kiều

Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”

Hai câu trên là lời ru con - lời ca dao yêu thương, ngậm ngùi, kể lể. Mẹ bồng con đi dọc bờ sông vắng. Muốn sang sông nhưng: “Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo”. Mẹ than cùng con, mẹ than đời mẹ. Giọng giãi bày, nghẹn ngào, ấm ức. Hai câu dưới, hiển nhiên là tục ngữ nối theo, kết tinh bao trải nghiệm đắng cay suốt cuộc đời của mẹ. Có người hiểu câu 3: Muốn sang trọng thì bắc cầu đẹp (lộng lẫy), một số ý kiến khác: Muốn sang (qua) sông thì phải bắc cầu để qua. Cũng như việc muốn con hay chữ thì nhất định phải yêu quý thầy giáo! Dù hiểu theo cách nào đi nữa, thì chúng ta vẫn nhìn nhận rằng người dân xưa đã luôn đề cao vai trò của người thầy trong cuộc đời mỗi con người.

Trên cơ sở quý trọng và đánh giá cao tầm quan trọng của người thầy giáo, nhân dân ta từ bao đời nay luôn có tư tưởng trọng nghề dạy học: “Trọng thầy mới được làm thầy”, “Những người truyền đạo khai nhân/ Nghìn thu để tiếng muôn phần thơm lâu”. Trọng thầy vì ghi nhận công lao, sự đóng góp của thầy; trọng thầy vì trọng kiến thức, trọng người có tài và trọng thầy vì muốn được làm thầy, muốn trở thành người có ích cho xã hội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Thế mới biết, nhân dân ta đã coi trọng người thầy và nghề dạy học đến mức nào.

Lòng yêu kính ấy, được biểu hiện qua nét ứng xử bằng nhiều cách thức khác nhau, trong đó có phong tục lễ, tết. Nghĩa là mỗi năm khi Tết đến, xuân về, như đã trở thành đạo lý ngàn đời, mỗi người chúng ta, ngoài sống có hiếu với cha, với mẹ, còn phải sống có nghĩa đối với thầy. Lòng biết ơn và nhân nghĩa không phải ở chỗ người học trò mang báu vật đến lễ thầy, tặng thầy nhân ngày lễ, ngày tết mà là bổn phận của người trò với người thầy của mình: “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”. Bổn phận ở đây không phải là trách nhiệm phải quan tâm chăm sóc thầy, mà đó là phải thực hiện đúng những gì mà người thầy đã dành cả tâm huyết để truyền thụ cho mình trong quá trình học tập, phải đưa cái đức lên hàng đầu, sống phải biết đối nhân xử thế, phải biết kính trên nhường dưới, phải biết tôn trọng mọi người. Vậy nên, trong ca dao, thường cất lên lời hứa hẹn của nhân vật trữ tình (là học trò) về sự “đền ơn đáp nghĩa” nếu ngày kia họ thành đạt:

“Bao giờ anh chiếm bảng vàng

Ơn thầy ta trả, nghĩa nàng nào vong”

hay

“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Có danh có vọng nhớ thầy khi xưa”

Trong lịch sử nước ta có khá nhiều câu chuyện cảm động về tình thầy trò. Phạm Sư Mạnh, Lê Quát làm quan đến nhất phẩm trong triều khi về thăm thầy vẫn giữ lễ, vẫn xuống ngựa từ rất xa đi bộ vào, khép nép và được thầy nói chuyện ít lời thì rất lấy làm mừng. Nguyễn Bỉnh Khiêm sau khi dâng sớ xin giết mười tám kẻ gian thần mà vua không nghe đã từ quan về dạy học ở am Bạch Vân. Học trò của ông có nhiều người văn võ toàn tài như Trạng Bùng - Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh... Khi Lương Hữu Khánh bỏ nhà Mạc vào Thanh Hóa phò vua Lê vẫn gửi quế Thanh ra biếu thầy mình. Dưới thời Tây Sơn, Quang Trung - Nguyễn Huệ biết được Nguyễn Thiếp (La Sơn phu tử) là thầy giáo của nhiều triều thần Lê - Trịnh đương thời đã nhiều lần viết thư mời ra làm quân sư để thu phục nhân sĩ Bắc Hà. Vậy nên các nho sinh xưa suốt con đường học vấn của mình thường chỉ gắn bó với một người thầy, cùng lắm là hai, ba người, ơn nghĩa của người học trò khi đã đỗ đạt thành danh đối với thầy vì thế mà vô cùng sâu sắc.

2. Trách nhiệm của người thầy là truyền dạy đạo lí và gìn giữ phẩm chất, đạo đức

Ngạn ngữ Trung Hoa có câu: “Một gánh sách không bằng một người thầy giỏi”. Không giàu về vật chất, không sang về địa vị, song người thầy giáo có cả một “gia tài” không phải ai cũng dễ dàng có được. Đó là tri thức, là hiểu biết, là kỉ cương. Làm chủ được những thứ ấy mới làm được thầy: “Sách vở một rương, kỉ cương một tủ mới đủ làm thầy”. Bởi thế, người ta tôn trọng, nể phục người thầy cũng là điều dễ hiểu. Và, đặc biệt, người thầy được tôn trọng, được kính nể không chỉ vì thầy có tri thức, có kỉ cương mẫu mực mà quan trọng hơn, người thầy đã dùng tri thức và kỉ cương của mình để dạy dỗ, dìu dắt, uốn nắn bao thế hệ học trò nên người. Bởi vì bản thân một chữ “thầy” từ thuở xa xưa đã hàm sẵn cái sắc thái tôn xưng: “Cha muốn cho con hay, thầy muốn cho trò khá” cũng là lẽ thường tình vậy. Học trò phải tôn sư trọng đạo, nhưng điều kiện tiên quyết lại chính là người thầy phải trở thành người được học trò tôn kính. Như thế nào mới trở thành người thầy được tôn kính? Hàn Dũ viết: “Cổ chi học giả tất hữu sư. Sư giả, sở dĩ truyện đạo, thụ nghiệp, giải hoặc dã. Nhân phi sinh nhi tri chi giả, thục năng vô hoặc? Hoặc nhi bất tòng sư, kì vi hoặc dã, chung bất giải hĩ.” (Tạm dịch: Người học thời xưa ắt có thầy. Thầy là người để truyền đạo (truyền thụ đạo lý), thụ nghiệp (truyền thụ tri thức), giải hoặc (giải đáp những nghi vấn) vậy. Người ta sinh ra không ai là đã biết tất cả, ai chẳng có thể có điều nghi hoặc? Có điều nghi hoặc mà không tìm thầy học, điều nghi hoặc ấy cuối cùng cũng không sáng tỏ được). Bởi vậy, trách nhiệm của người thầy chính là giảng giải những nghi hoặc cho học trò. Nhưng trước khi giải đáp những nghi hoặc ấy, người thầy phải truyền dạy đạo lý, dạy tri thức. 

Tục ngữ có câu: “Thương cho roi cho vọt”, nhắc chúng ta nhớ đến hình ảnh của thầy đồ ngày xưa vẫn còn lưu truyền trong dân gian… Đó là một người thầy già, xuất hiện với dáng vẻ đạo mạo, thư thái nhưng rất nghiêm nghị với học trò. Thầy có một chiếc roi mây, nếu học trò viết sai, hay lơ là việc học thì có thể bị xử phạt. Chính vì sợ thầy mà người học trò xưa chăm chút từng nét chữ, nghiêm túc trong học hành. Ngọn roi của người thầy xưa là ngọn roi của một người có lối sống chuẩn mực, đức cao đạo trọng, nên rất “lành”, cũng hoàn toàn xuất phát từ tâm huyết với học trò, nên rất được các bậc cha mẹ tin tưởng. Thậm chí “thương cho roi cho vọt” đã trở thành một trong những tiêu chuẩn để thể hiện sự quan tâm của thầy đối với trò. Ngày nay, đa số người Việt đều biết đến Chu Văn An, một người thầy đã sống cách đây gần một nghìn năm, nhưng tiếng thơm vẫn để muôn đời. Chu Văn An ngay từ hồi còn trẻ đã nổi tiếng là một người cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, chỉ ở nhà đọc sách. Khi thi đỗ Thái học sinh, ông không ra làm quan, mà trở về mở trường dạy học ở quê nhà. Học trò nhiều nơi tìm đến theo học rất đông. Chính những đòn roi ấy đã góp phần tôi luyện những thế hệ học trò vừa đủ “đức” lẫn “tài”. Thầy bao giờ cũng giữ thái độ đúng mực trước trò. Ai giỏi thì thầy khen, ai có lỗi thì thầy phạt, không tư vị nể nang. Nhờ vậy mà trò rút ra được ưu khuyết để đạt được kết quả tốt sau này. Dù nghiêm khắc là thế, nhưng nghĩa thầy trò xưa thật hiếm gặp trong thời đại bây giờ. Tình cảm xuất phát từ “tâm phục, khẩu phục”, không phải cân đong đo đếm bằng những giá trị vật chất mà là giá trị tinh thần. Đó mới chính là cốt lõi của “đạo”: Học cách làm người, sống nghĩa tình, trọn vẹn trước sau. Rõ ràng, thầy là người “thân như ruột thịt”, “nghĩa tựa cha con”. Thầy dạy trò không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả tình thương, sự gần gũi và quan tâm như mẹ cha thương con, thực sự mong muốn cho học trò thành đạt. Đồng thời người thầy còn mang cả những trăn trở, lo lắng của xã hội vào trong cuộc sống của mình:

“Còn trời còn nước còn non

Còn người thất học ta còn phải lo”

Hình ảnh người thầy cũng như những tình cảm yêu kính của nhân dân đối với người thầy được thể hiện qua ca dao, tục ngữ chiếm một bộ phận không nhỏ trong kho tàng tục ngữ, ca dao Việt Nam. Điều đó cho thấy, người thầy có một ảnh hưởng khá lớn trong đời sống của mỗi người nói riêng và với xã hội nói chung. Bằng những câu ca dao, tục ngữ nhẹ nhàng, ngắn gọn, dễ nhớ, người lao động bên cạnh ngợi ca hình ảnh người thầy, họ còn thể hiện tình yêu thương, kính trọng thầy; đồng thời dân gian cũng lên tiếng cảnh báo những kẻ vong ơn bạc nghĩa:

 

“Yêu kính thầy mới được làm thầy

Những phường bội bạc sau này ra chi”

Những kẻ quay lưng lại với người đã nâng niu, dìu dắt, dạy dỗ mình ngay từ ngày đầu tiên - những kẻ đó chắc chắn cuối cùng không thể đi đến trọn vẹn của đỉnh cao vinh quang, vì vinh quang gắn liền với danh vọng song cũng không tách rời đạo lý và lễ nghĩa ở đời.

Người thầy không chỉ là người dạy chữ mà còn dạy những lễ nghi, phép tắc, đạo đức dạy cách làm người theo chuẩn mực khắt khe của xã hội. Vì thế, người thầy trong truyền thống là những người có trí tuệ sâu rộng, am hiểu sách thánh hiền, đạo đức cao cả, cái tâm trong sáng, luôn coi trọng danh dự, lương tâm, luôn giữ gìn khí tiết thanh cao. Họ là người thầy mẫu mực về nhân cách, uyên thâm về trí tuệ. Có thể nói những truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta về tư tưởng, tình cảm, về đạo đức đều tập trung ở hình tượng người thầy. Nền giáo dục truyền thống ấy đã đào tạo được nhiều bậc hiền tài, nhân tài trị nước, cứu đời. Tạo nên những thời kỳ thịnh trị, những trang sử huy hoàng của dân tộc./.