Lòng tự trọng – một nét văn hóa đặc sắc của người Việt
Trong cộng đồng quốc tế, có nhiều dân tộc khác nhau, nền văn hóa là một trong những dấu hiệu cơ bản cùng với kinh tế, chính trị và lãnh thổ để xác định dân tộc, trong từng nền văn hóa có những nét đặc sắc để phân biệt giữa các nền văn hóa, lòng tự trọng là một nét đặc sắc trong số hàng nghìn nét văn hóa đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam, một trong những đặc trưng của người Việt Nam đã được đúc kết, tôi luyện trải qua hàng nghìn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống lại sự bất lợi của tự nhiên và trở thành sức mạnh nội sinh, một nguyên khí của dân tộc Việt Nam.
Lòng tự trọng là luôn coi trọng, giữ gìn phẩm chất, tư cách, danh dự của bản thân mình. Lòng tự trọng của con người được hình thành từ sự tự giác, rèn luyện của bản thân trong quá trình sống, học tập, lao động và công tác của từng con người, thể hiện ý chí, trách nhiệm của mỗi người đối với chính bản thân mình. Được thể hiện thông qua thái độ đối với công việc được phân công, đối với những người xung quanh và đối với việc thực hiện nghĩa vụ với xã hội. Lòng tự trọng là căn nguyên, cốt lõi giúp con người rèn luyện mình vươn tới cái đúng, cái tốt đẹp, cộng đồng những người có lòng tự trọng sẽ tạo thành sức mạnh nội sinh của một khối dân tộc thống nhất... Hiện thân của lòng tự trọng là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Thể hiện lòng tự trọng trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, hội nhập quốc tế... Cùng với những thuận lợi rất cơ bản là những khó khăn, thách thức không nhỏ, đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam phải luôn giữ gìn, rèn luyện lòng tự trọng của mình, phải luôn tự coi trọng phẩm chất, tư cách, danh dự của bản thân; có tự trọng mình mới có sự tôn trọng của người khác đối với mình. Biểu hiện của lòng tự trọng là: Phải dám nhìn thẳng vào sự thật của bản thân, tự đánh giá đúng bản thân, những thành tích nào là của bản thân mình, thành tích nào là của tập thể và mức độ đóng góp của mình vào thành tích của tập thể đó; dám nhận khuyết điểm, thậm chí dám nhận khi bản thân phạm tội và có quyết tâm, có phương pháp để sửa chữa; biết thừa nhận, tôn trọng và biết học tập những mặt ưu điểm của người khác. Dù người đó là ai, nếu họ có ưu điểm để bản thân học theo đều là người thầy của mình; người có lòng tự trọng còn biểu hiện: nói đi đôi với làm, mọi việc nhất là những việc có khó khăn thì bản thân tự nguyện làm trước, làm một cách tận tụy, cẩn thận, tỉ mỷ, tập trung suy nghĩ để tìm biện pháp làm mới, khi thất bại không tỏ ra chán nản mà tập trung tìm tòi biện pháp để làm bằng được, luôn thể hiện là người tự lập, dám và kiên quyết bảo vệ cái đúng, đấu tranh chống cái sai, cái xấu, có chính kiến rõ ràng, gần gũi với nhân dân, luôn hiểu dân, học dân, nghe dân nói và nói dân mới nghe chính là đã và đang học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Ngược lại, những biểu hiện của người thiếu hoặc không có lòng tự trọng là trốn tránh trách nhiệm, thờ ơ với những người, những việc xung quanh, thích người khác tâng bốc mình, thích tự nhận thành tích mà bản thân không có, tự kiêu, tự đại, xem thường người khác, tự tôn mình quá mức hoặc tự ái trước phê bình của người khác, hay tự ty, tự thấy mình hèn kém hơn người khác mà không dám phấn đấu, bằng lòng với những gì mình đã có; thiếu hoặc không có lòng tự trọng còn biểu hiện là nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít, nói hay nhưng làm thì dở, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo. Khi làm việc thì hời hợt, qua loa, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tự cho mình có nhiều quyền, xa dân, ích kỷ, hẹp hòi mất dân chủ, không nghe dân... lúc thành công thì hồ hởi, phấn khởi, tự tâng bốc công lao của bản thân, khi thất bại thì tỏ ra buồn chán, thoái lui, buông xuôi, đổ lỗi cho khách quan, nói dựa theo người khác, không có chính kiến rõ ràng, lúc có chức có quyền thì nói một đằng khi không còn chức quyền thì nói một đằng hay so sánh hơn thiệt, hay kêu ca người khác mà chính mình không làm gương để khắc phục những yếu kém... Những người có biểu hiện như vậy trong côngtác, học tập, lao động và trong cuộc sống hàng ngày là người thiếu lòng tự trọng, là bức tường ngăn cản việc rèn luyện đạo đức: Cần, kiệm, liêm, chính, chí, công vô tư, là trái với tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nếu là người cán bộ, đảng viên thì không rèn luyện để trở thành công bộc tận tụy, trung thành của nhân dân, không làm gương tốt trước dân; nếu là người dân thì không rèn luyện để trở thành người công dân tốt như Bác Hồ hằng mong muốn... hậu quả của thiếu hoặc không có lòng tự trọng là dần dần xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, suy thoái về đạo đức, lối sống, xa rời lợi ích của dân, là con đường dẫn tới biến chất, mất uy tín với dân.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trước hết là phải học lòng tự trọng và học cách rèn luyện lòng tự trọng của Bác, luôn coi trọng, giữ gìn phẩm chất, tư cách, danh dự của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào; khi đi tìm đường cứu nước, sống ở các nước phương tây, làm nhiều nghề để nuôi sống bản thân cho đến khi trở về lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc, trong điều kiện vô cùng khó khăn, cả khi đã trở thành người đứng đầu của một quốc gia độc lập, Bác luôn ý thức rằng: Bản thân mình là con của dân tộc Việt Nam, Bác luôn gắn vận mệnh cá nhân với vận mệnh quốc gia, dân tộc... phải luôn giữ gìn, phát huy lòng tự trọng của nền văn hóa Việt Nam, Trong thời kỳ Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế để vươn lên, phấn đấu đến năm 2020 cơ bản nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, con người Việt Nam hòa nhập mà không hòa tanthì trước hết phải biết tự trọng và luôn luôn rèn luyện, phát huy lòng tự trọng trong điều kiện mới.
Nguồn: baohagiang.vn