Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ý nghĩa thực tiễn đối với thế hệ trẻ hiện nay

Ở tuổi đôi mươi, là thế hệ tương lai của nước nhà, mỗi người thanh niên cần nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nổ lực hết mình vươn lên trong cuộc sống để tìm đến một phần giá trị đạo đức cao đẹp ở Người, sống xứng đáng với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

            Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đấu tranh không mệt mỏi cho độc lập, tự do của dân tộc; cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, Bác Hồ đã đem về cho dân tộc bao nhiêu mùa xuân của hạnh phúc, yêu thương và khát vọng, Hồ Chí Minh - Người không chỉ là vị lãnh tụ kiệt xuất, nhà cách mạng lỗi lạc mà còn là biểu tượng toàn vẹn của đạo đức cách mạng:

Thứ nhất, đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương trọn đời phấn đấu, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người và nhân loại.

Thứ hai, đạo đức Hồ chí Minh là tấm gương của ý chí và nghị lực tinh thần to lớn, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để đạt mục đích cách mạng.

Thứ ba, đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương tuyệt đối tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, kính trọng nhân dân, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Thứ tư, đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương của một con người nhân ái, vị tha, khoan dung, nhân hậu hết mực vì con người.

Thứ năm, đạo đức Hồ Chí Minh là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời riêng trong sáng, nếp sống giản dị và đức khiêm tốn phi thường.

Nhân loại đang bước vào thế kỷ XXI với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặt lên vai thế hệ thanh niên trọng tránh vô cùng to lớn.

Tuy nhiên, những mặt trái của nền văn minh công nghiệp cũng đã xuất hiện, trong đó có những vấn đề khá nghiêm trọng về sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và môi trường văn hóa khác với bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, sự xuống cấp của đạo đức xã hội và gia đình hiện nay đang là vấn đề làm đau đầu mọi người. Nhiều thanh niên có biểu hiện lệch lạc, xa rời quần chúng, sống buông thả, hời hợt, không chí tiến thủ.

Nhằm nâng cao chất lượng của việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cần thực hiện một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, tổ chức tốt các phong trào, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ trong gia đình, nhà trường và xã hội.

 Bằng việc đưa tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình giáo dục trong nhà trường; xây dựng một đội ngũ giáo viên kiểu mẫu có tâm - đức - tài để gánh vác trách nhiệm trồng người; thực hiện cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong nhà trường, đẩy mạnh việc học tập thông qua các buổi sinh hoạt đoàn, sinh hoạt hội và các buổi tọa đàm tại các câu lạc bộ thanh niên.

Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong gia đình, mỗi ông bà là tấm gương cho con cháu noi theo. Ngược lại, con cháu phải hiếu thảo, phụng dưỡng, kính trọng và lễ phép ông bà cha mẹ, thực hiện gia đình “ông bà chuẩn mực, con cháu thảo hiền”, có như vậy thì gia đình mới thực sự là nơi ươm mầm cho thế hệ trẻ, chuẩn bị hành trang vững chắc bước vào đời và thực hiện sứ mệnh của mình đối với đất nước trong bước chuyển mình sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thường xuyên quán triệt nội dung học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến thế hệ trẻ của từng địa phương, đơn vị, từng cán bộ, công chức như “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động cá nhân .

Hai là, thực hiện việc nêu gương người tốt, việc tốt.

Thông qua sách, báo, chương trình truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng để nêu gương người tốt, việt tốt. Mặt khác, việc học tập tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh phải bằng những việc làm cụ thể, ích nước lợi dân, như: Mùa hè xanh tình nguyện, Hiến máu nhân đạo của học sinh, sinh viên. Việc này cần có kế hoạch cụ thể, tuyên truyền, vận động một cách bài bản để đạt được sự hưởng ứng cao nhất trong thanh niên, biến nó thành một trào lưu tốt đẹp, chứa đựng tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời, tổng kết, biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tập thể thực hiện gương người tốt, việc tốt. Đó sẽ là nguồn động viên cho thanh niên tiếp tục nêu gương sáng, thực hiện một cách tự giác việc học tập và làm theo tấm gương sáng ngời của vị cha già dân tộc.

Ba là, tổ chức vận động sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Những năm qua, hoạt động sáng tác đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, với một số vở diễn như: “Hồ Chí Minh hồi ức màu đỏ”, “Bác Hồ - Người là niềm tin tất thắng”...; phim “Bác Hồ sự cảm hóa kỳ diệu”; “Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn từ thế kỷ XXI”; ca khúc “Pác Bó hát mãi tên Người”; “Ơi Mẹ làng Sen”;... cùng với hoạt động quảng bá, giới thiệu và tuyên truyền những tấm gương tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác Hồ đã chuyển tải được và giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và sự cần thiết của việc học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh đối với bản thân của mỗi người trong quá trình rèn đức luyện tài góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội Việt Nam.

Tổ chức quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, hướng tới cuộc vận động và đưa tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh thấm sâu vào tư tưởng và cách sống của thế hệ trẻ Việt Nam.

Bốn là, tổ chức các hội thi kể chuyện về tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hoạt động thi kể chuyện về tấm gương, đạo đức, phong cách của Bác cần đươc tổ chức dưới nhiều hình thức: thi kể chuyện qua mạng, thi viết về ý nghĩa giáo dục của một mẩu chuyện cụ thể có liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; thi sưu tầm những bài nói, bài viết, lời dặn của Bác đối với ngành, địa phương; phong trào kể chuyện Bác Hồ dưới cờ vào sáng thứ hai hàng tuần trong trường phổ thông.

Thông qua Hội thi kể chuyện, các thí sinh mang đến cho tuổi trẻ Việt Nam những câu chuyện về đạo đức Hồ Chí Minh, đó tấm gương đạo đức hết lòng hết sức vì nhân dân, vì dân tộc; đó là tấm gương cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đó là lòng khoan dung độ lượng, nhân ái, tình yêu thương đối với đồng bào.

Vượt qua lửa đạn của chiến tranh, vượt qua quy luật khắc nghiệt của thời gian, những bài học đạo đức của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Những câu chuyện đã khép lại nhưng phẩm chất cao đẹp mà giản dị của Người vẫn còn sống mãi, cháy mãi trong mạch nguồn làm người của mỗi chúng ta. Mọi thế hệ người Việt Nam đã và đang nguyện suốt đời học tập rèn luyện theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Ở tuổi đôi mươi, là thế hệ tương lai của nước nhà, mỗi người thanh niên cần nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nổ lực hết mình vươn lên trong cuộc sống để tìm đến một phần giá trị đạo đức cao đẹp ở Người, sống xứng đáng với trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Hồ Chí Minh thuộc về tương lai, vì Hồ Chí Minh đã tạo ra tương lai vĩ đại ấy... Người là một người làm nên lịch sử hiện đại. Người đã trở thành một nhà kiến trúc và tạo hình của quá trình cách mạng thế giới trong thời kỳ có tính chất bùng nổ nhất... Người đã trở thành ngọn đèn biển soi sáng đường đi cho tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới... Có lẽ hơn bất kỳ người nào khác của thế kỷ này, đối với dân tộc mình cà đối với cả thế giới, Hồ Chí Minh là hiện thân của cách mạng... Người là một trong những nhân vật cao quý nhất, đáng yêu nhất của thời đại chúng ta”.

 

ThS. Dương Như Ý (Chuyên viên khoa Lý luận cơ sở)

Sưu tầm: Trần Bảng