Mỗi tổ chức Đảng, Đảng viên cần nâng cao nhận thức, làm theo tư tưởng đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trên thực tế, đoàn kết là tư tưởng nhất quán, xuyên suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là một tư tưởng lớn, không phải đơn thuần là khẩu hiệu; là chiến lược quan trọng trong đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh đã từng bước đi sâu vào mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân, trong toàn dân tộc và tạo nên sức mạnh quyết định mọi thắng lợi, mọi nhiệm vụ.

        Tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại mà đỉnh cao là chủ nghĩa Mác - Lênin. Đó là những quan điểm được xây dựng có tính hệ thống và kết cấu logic nhằm tập hợp và phát triển lực lượng cách mạng. Để đoàn kết rộng rãi, Người yêu cầu phải phát huy dân chủ, đẩy mạnh tự phê bình và phê bình. Nghĩa là, phải để cho mọi người tham gia góp ý xây dựng cho nhau, phân tích được cái sai, cái cũ không còn phù hợp; động viên được cái đúng, cái mới đang chứng minh hiệu quả. Có như vậy mọi người mới thoải mái, thông thoáng về tư tưởng để sửa chữa khuyết điểm của mình và giúp đồng chí, đồng nghiệp nhận ra hạn chế, thiếu sót mà ngày càng hoàn thiện bản thân. “Điều kiện cần” là giữa đảng viên và cán bộ với nhau; giữa lãnh đạo, nhất là người đứng đầu với cấp dưới phải kiên quyết bỏ hết thành kiến. Bởi thành kiến là một thói xấu, có hại cho sinh hoạt của tổ chức và tác động tiêu cực cho cá nhân ai “sở hữu” nó. Do thành kiến mà sinh ra dè dặt với nhau, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau thì không thể xây dựng sự đoàn kết, thống nhất. “Điều kiện đủ” là, trong các tổ chức đảng, theo Bác, phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết, tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Người căn dặn phải giữ gìn sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Nếu không như thế, sẽ đưa đến trình trạng trống đánh xuôi, kèn thổi ngược, công tác của tổ chức bị tê liệt; cá nhân cán bộ, đảng viên hư hỏng. 


Ảnh: Đông Phương        

        Đảng ta thống nhất quan điểm quyết liệt và kiên trì chỉ đạo nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nhằm khắc phục một số biểu hiện đi ngược lại giá trị tư tưởng đoàn kết. Mỗi tổ chức đảng dù thuộc loại hình nào, trong toàn bộ hoạt động và chiến lược phát triển của mình, cấp ủy và chính quyền, đoàn thể phải luôn củng cố và tăng cường tinh thần đoàn kết nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị. Nếu chỉ dừng lại ở quyết tâm chính trị của lãnh đạo cơ quan, đơn vị là chưa đủ, mà phải huy động được trí tuê, sự đồng tình, đồng thuận của đội ngũ đảng viên. Trong thực tế, các cấp ủy cần xem đoàn kết vừa là động lực, vừa là mục tiêu trong phương hướng hoạt động của tổ chức đảng mình đang lãnh đạo, sinh hoạt.

        Trong chương trình công tác toàn khóa của các cấp ủy cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Thông qua giáo dục để cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc rằng, sự đoàn kết, thống nhất trong đảng bộ, chi bộ mình đang công tác, sinh hoạt phải được tiến hành trên cơ sở các nguyên lý, nguyên tắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương; trên tình thương yêu đồng chí, đồng nghiệp, chứ không phải đoàn kết theo kiểu hình thức, xuôi chiều, nể nang, “dĩ hòa vi quý”. Trên cơ sở nhận thức đúng, sẽ thiết lập được sự thống nhất cao về ý chí và hành động, giữ vững sự đồng thuận của tập thể, xây dựng tiền đề quan trọng để tăng cường đoàn kết, thống nhất. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự điều chỉnh và tu dưỡng, rèn luyện phù hợp với yêu cầu chung; gắn mình với tập thể, “dĩ công vi thượng”, luôn phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng; nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị. Những quan điểm cơ hội, xuyên tạc, xét lại, gây mất đoàn kết nội bộ phải kiên quyết loại trừ. Đồng thời, từng chi bộ, từng cá nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. 
        Riêng đối với cấp ủy và người đứng đầu tổ chức đảng, chính quyền khi có những vấn đề phức tạp nảy sinh, cần có sự trao đổi, bàn bạc, tôn trọng ý kiến cấp dưới, tránh mọi sự độc đoán, gia trưởng; phát huy ý chí tập thể phải đi đôi với đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu; có sự phân công, phân cấp cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành. Vì giữ trọng trách chủ trì cơ quan, đơn vị, nên người đứng đầu chịu trách nhiệm trước cấp ủy cùng cấp và cấp trên trực tiếp về kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Bởi vậy, phẩm chất, năng lực, vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đồng thời, phải thể hiện rõ thái độ công tâm, ủng hộ cái đúng, cái mới, sự sáng tạo; rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chế, quy định, nhất là các mặt công tác trọng yếu, dễ phát sinh tiêu cực, mất đoàn kết; đổi mới phương pháp, tác phong công tác, làm việc theo chức trách, nhiệm vụ, không bao biện, làm thay, cá nhân, cục bộ, v.v…

 

ThS. Nguyễn Văn Thuận