Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về tinh thần Đoàn kết dân tộc

          Sự nhiệm màu của tinh thần đoàn kết mà Bác mang đến cho chúng ta chính là do Người coi trọng và đặt ở hàng đầu vấn đề phải “Sống với nhau có nghĩa tình” phải có tình đồng chí, yêu thương lẫn nhau. Theo Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng.

      Đại đoàn kết dân tộc là truyền thống quý báu của dân tộc ta, qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Từ khi ra đời Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng việc xây dựng, cũng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Ngày nay đại đoàn kết dân tộc ngày càng được hoàn thiện và thể chế hóa bằng các chính sách, pháp luật. Các tầng lớp nhân dân chung sức, chung lòng cùng Đảng và Nhà nước vượt qua khó khăn, thử thách, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

       Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những gắn liền với những trang sử vẻ vang của dân tộc mà những câu chuyện đời thường từ nếp sống rất đổi giản dị, gần gũi, những câu chuyện tuy rất giản đơn của Bác nhưng chứa dựng ý nghĩa thật lớn lao, cùng với những bài học quý giá đã đi sâu vào lòng người của biết bao thế hệ…Câu chuyện về “Chiếc đồng hồ” mang giá trị lớn, tư tưởng lớn của Người về tinh thần đoàn kết dân tộc, có đoàn kết mới tạo nên sức mạnh tập thể, sức mạnh dân tộc.Sự nhiệm màu của tinh thần đoàn kết mà Bác mang đến cho chúng ta chính là do Người coi trọng và đặt ở hàng đầu vấn đề phải “Sống với nhau có nghĩa tình” phải có tình đồng chí, yêu thương lẫn nhau. Theo Hồ Chí Minh: Đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Vì vậy, Người chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối thống nhất. “Năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều hợp lại nơi bàn tay” Trong mấy chục triệu người, cũng có người này, thế khác, nhưng thế này hay thế khác đều là dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên, ta phải khoan hồng đại độ. Ta phải nhận rằng, đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối, lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắn chắn vẻ vang.

      Nội dung kêu gọi đoàn kết được Bác viết liền mạch. Khi có dịp thuận tiện là Người tuyên truyền ngay. Từ kêu gọi tuyên truyền trực tiếp đến đến những ví von về sức mạnh của đoàn kết, Bác mong muốn người dân thấm nhuần tư tưởng đoàn kết một cách sâu sắc và thường xuyên, để từ đó, biến thành sức mạnh đoàn kết.

       Trong khối Đại đoàn kết, các thành viên, các lực lượng xã hội, các giai cấp, bên cạnh những nhân tố tích cực vẫn còn tồn tại những nhân tố tiêu cực, bên cạnh những yếu tố tương đồng vẫn còn những điểm khác nhau cần phải bàn bạc để đi đến thống nhất. Họ vừa có nguyện vọng lợi ích chung, vừa có nguyện vọng lợi ích riêng. Để giải quyết vấn đề này Hồ Chí Minh nhấn mạnh phương châm “cầu đồng tồn dị”, lấy cái chung, đề cao cái chung để hạn chế cái riêng, cái khác biệt. Thực hiện điều này cần phải có thái độ chân thành, thẳng thắn, phải xuất phát từ mục đích tập hợp lực lượng vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội.

      Đoàn kết là sự kết hợp được nhiều người, mỗi người có một ưu điểm riêng mà người khác không có, nên khi tất cả họ đồng tâm cùng làm một công việc thì công việc ấy sẽ được chia ra tùy theo khả năng mà mỗi người có thể và mỗi người phải biết cảm thông, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Đoàn kết chung với nhau không có nghĩa là nhất thiết phải chọn được người toàn diện, mỗi cá nhân sẽ khó đi đến thành công nếu không có sự kết hợp.

       Đoàn kết là tập hợp mọi người thành một khối thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời, cùng đồng lòng chung sức, hỗ trợ nhau để giải quyết công việc. Sự kết hợp ấy sẽ tạo nên sức mạnh to lớn giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn, rào cản vật chất cũng như tinh thần nhằm đem lại kết quả tốt đẹp cho cuộc sống và là chìa khóa vàng để dẫn đến mọi thành công

       Không có ai trong chúng ta mạnh bằng tất cả chúng ta hợp sức lại. Bởi vậy, để thành công trong cuộc sống, chúng ta phải rèn luyện và thực hành tinh thần đoàn kết và tương trợ lẫn nhau. 

       Học tập và làm theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương. Mọi biểu hiện dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để “kéo bè, kéo cánh”, để làm rối loạn kỷ cương, để cầu danh, trục lợi hoặc chuyên quyền, độc đoán…cần phải lên án và loại bỏ. 

     Đoàn kết là điều không thể thiếu trong tập thể. Ngoài việc bản thân người lãnh đạo/quản lý có chuyên môn giỏi thì họ vẫn cần sự trung thực và tinh thần hết lòng vì nhân viên, công việc, đó là điều kiện Cần. Còn sự lao động hăng say, có niềm tin vào lãnh đạo và đồng lòng vượt qua mọi thử thách mà không một chút tư lợi về bản thân của đội ngũ nhân viên chính là điều kiện Đủ. Hai điều kiện này rất cần thiết và tác động bổ trợ lẫn nhau. Thiếu một trong hai điều kiện, thành công có thể đến nhưng không bền lâu. 

       Sự đoàn kết “đồng lòng nhất trí” trong công việc là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thành công của đơn vị. Khi tất cả mọi người cùng đồng lòng hợp sức, sẽ tạo ra một nguồn năng lượng làm việc lớn nhất và đạt hiệu quả cao nhất. Nhưng vấn đề đặt ra là mỗi người đều là mỗi cá thể riêng biệt, nên sẽ không dễ dàng để gắn kết mọi người cùng hòa vào dòng chảy chung của tập thể. 

      Mọi người sẽ làm việc tốt với nhau khi họ cảm thấy được đối sử công bằng trong công việc. Nếu tập thể thiếu đi yếu tố bình đẳng thì điều này tạo ra sự bất hòa, không nhất quán trong công việc.  

        Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng khối đoàn kết tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ. 

        Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Đoàn kết là vấn đề có tính chiến lược, quyết định mọi thành công. Đây cũng chính là bài học sâu sắc mà thực tiễn của trường trong hiều năm qua đã chứng minh. Mỗi khi nội bộ chưa thống nhất về chủ trương thì không thể có sự đoàn kết nhất trí cao. Cho đến thời điểm hiện nay trường đã có hơn 25 năm xây dựng và trưởng thành (21 năm là trường trung cấp và 4 năm là trường cao đẳng) đã có bề dầy truyền thống đoàn kết, vượt khó vươn lên để khẳng định một thương hiệu của một cơ sở đào tạo văn hóa- nghệ thuật có uy tín như ngày hôm nay. Trong giai đoạn trường vừa lên Cao đẳng, thực hiện một bước chuyển quan trọng đòi hỏi có sự thay đổi vượt bậc cả về chất và lượng thì vấn đề xây dựng khối đại đoàn kết tạo nên sức mạnh tổng hợp làm nền tảng, làm động lực cho trường phát triển lại càng cần hơn bao giờ hết. Do đó, để có được sự đoàn kết với đầy đủ ý nghĩa của nó thì cần phải thực hiện được các nội dung, yêu cầu cơ bản sau: 

       Thứ nhất, để xây dựng khối đại đoàn kết ở trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ cần có sự đồng thuận trên dưới một lòng, từ người đứng đầu cùng với ban giám hiệu đến các trưởng, phó phòng, khoa; từ giảng viên đến viên chức và người lao động chung một mục tiêu xây dựng trường lớn mạnh. Muốn vậy Ban giám hiệu nhà trường cần sáng suốt đảm bảo công bằng và bình đẳng cho mọi người trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm cũng như trong quyền lợi vật chất, tinh thần, chăm lo đời sống công đoàn viên; kết hợp hài hòa các lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể của các phòng, khoa và lợi ích chung của toàn trường. 

       Thứ hai, xây dựng khối đại đoàn kết trên cơ sở tự phê bình và phê bình thẳng thắn và có trách nhiệm cao, có tinh thần xây dựng, không né tránh khuyết điểm, không đoàn kết một chiều, không đoàn kết hình thức theo kiểu “ Bằng mặt mà không bằng lòng”. Muốn vậy, từ Chi bộ, đoàn thể Công đoàn, Ban nữ công, Đoàn thanh niên đều phải tạo cơ chế, cơ hội để mọi người phát huy tinh thần góp ý xây dựng  trực tiếp hoặc gián tiếp qua người đại diện với mục tiêu chung, vì sự tiến bộ của cá nhân hay tập thể. Sự trao đổi thẳng thắn đó chính là thể hiện tinh thần trách nhiệm, “tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, sẽ giúp nhau khắc phục khuyết điểm, tự vươn lên hoàn thiện bản thân. 

      Thứ ba, Đoàn kết muốn bền chặt, lâu dài trường cần phải có môi trường sống và làm việc với tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau, có sự bao dung rộng lượng, luôn tạo cơ hội cho mọi người có đều kiện phát triển, qua đó để mọi người luôn cảm thấy tình thân ái của những người xung quanh, cảm nhận nhà trường như là ngôi nhà thứ hai của mình, vì vậy mà tinh thần cộng đồng chung tay xây dựng nhà trường phát triển càng được phát huy. 

     Thứ tư, Một trong những điều kiện làm cho khối đại đoàn kết trong nhà trường được nâng cao đó chính là tạo dựng niềm tin cho cán bộ, giảng viên, nhân viên và học sinh, sinh viên. Trách nhiệm này đầu tiên là thuộc về các đồng chí trong Chi ủy, Ban giám hiệu, trưởng phó các phòng, khoa. Muốn có được niềm tin của tập thể, quần chúng không thể nào khác cần tiếp tục phát huy tính công khai, dân chủ trong trường học, càng dân chủ, công khai bao nhiêu, càng tăng cường trách nhiệm các thành viên trong nhà trường bấy nhiêu, mọi người đều thấy mình có vai trò đóng góp cho trường ở các phạm vi, mức độ, các lĩnh vực khác nhau. 

       Thứ năm, vừa tập trung làm tốt công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giảng viên; vừa tạo môi trường cảnh quan của nhà trường xanh, sạch, đẹp; vừa quan tâm xây dựng môi trường sinh hoạt đời sống tinh thần, vui tươi, lành mạnh cho cán bộ, giảng viên, viên chức và học sinh, sinh viên bằng nhiều hình thức tổ chức giao lưu đa dạng, phong phú; Văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các buổi tọa đàm trao đổi theo chủ đề, chuyên đề có ý nghĩa thiết thực đến đời sống hàng ngày. Thông qua các loại hình tổ chức sinh hoạt tập thể như vậy, mọi người có điều kiện gần gũi, hiểu nhau hơn, chia sẽ tình cảm, chia sẽ những khó khăn, thuận lợi với nhau nhiều hơn và từ đó mà tinh thần đoàn kết gắn bó với nhau sẽ càng tốt hơn. 

        Tóm lại, để giữ được văn hóa đoàn kết đòi hỏi mỗi cá nhân làm được điều này đồng nghĩa với việc nhà trường sẽ ngày càng phát triển bền vững:

  1. Phải có lập trường tư tưởng vững vàng, xác định phấn đấu vì mục tiêu chung đó là hiệu quả công việc. Khi đã có chung một lý tưởng thì mọi người sẽ chung sức, chung lòng và thân ái với nhau hơn.
  2. Tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ. Tuy nhiên, đoàn kết không có nghĩa là im lặng, làm ngơ, là bao che cho những khuyết điểm của đồng chí, đồng nghiệp mà mỗi cá nhân nêu cao tinh thần phê và tự phê. Dám nhận ra những thiếu sót của chính bản thân mình, của đồng chí, đồng nghiệp, thẳng thắn góp ý xây dựng, cùng sẽ chia cái hay, cái tốt để phát triển bản thân và tổ chức.
  3. Mỗi cán bộ, đảng viên phải biết đặt lợi ích chung của tập thể, của cơ quan lên trên lợi ích cá nhân, biết vì mục tiêu chung mà phấn đấu, biết nhìn nhận cái đúng, cái sai, biết lắng nghe để tự sửa chữa, biết góp ý chân tình cho đồng nghiệp. Đó là cơ sở để xây dựng khối đại đoàn kết nội bộ ngày càng vững chắc hơn.
  4. Tập thể lãnh đạo, người đứng đầu nêu gương tự phê bình và phê bình chính là hạt nhân, là động lực để xây dựng và phát huy được tinh thần đoàn kết, không khí dân chủ thực sự trong tổ chức, đơn vị. Muốn nêu gương về phê bình, người đứng đầu cần phải thực tâm lắng nghe ý kiến nhận xét của quần chúng, đồng nghiệp và cấp dưới; từ đó, không chỉ thấy được khuyết điểm của mình để tìm ra biện pháp khắc phục, mà còn rút ra được những phương pháp, cách thức phê bình phù hợp, hiệu quả; vận dụng phương pháp phê bình hiệu quả để thực hành cho bản thân và phổ biến trong cơ quan, tổ chức cho đồng chí, đồng nghiệp cùng tham khảo./.

 

                                                                                                                                Trần Thị Lan Hương