Học tập đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh về "Tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân
Tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn trọng Nhân dân xuất phát từ những bài học lớn được rút ra từ chiều sâu của lịch sử nước ta như Nguyễn Trãi đã kết luận: “Lật thuyền mới rõ dân như nước”. Theo Hồ Chí Minh, người cách mạng “yêu nước” là phải “thương dân”, “trung với nước” là phải “hiếu với dân”.
Tôn trọng Nhân dân trước hết phải có thái độ đánh giá cao vai trò, vị trí của Nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, “vô luận việc gì đều do người dân làm ra, từ nhỏ đến to, từ gần đến xa đều thế cả”. Người chỉ ra rằng: “Chúng ta phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ”[1]. Theo Hồ Chí Minh: “nếu không có nhân dân thì Chính phủ không có đủ lực lượng… Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”[2].
Hồ Chí Minh đã từng nói: “…Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Người cho rằng: “…Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”.
Muốn thật sự tôn trọng Nhân dân thì phải hiểu dân. Tài dân, sức dân, của dân, quyền dân, lòng dân, sự khôn khéo, hăng hái, anh hùng đã tạo nên “cái gốc” của dân. Hồ Chí Minh khẳng định “cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân”. Việc gì nhân dân cũng nghe, cũng thấy. “…Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”[3].
Ý thức tôn trọng Nhân dân còn phải đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm Nhân dân. Phải luôn luôn tôn trọng và giữ gìn của công, của Nhân dân. Hồ Chí Minh chỉ rõ “Không được phung phí nhân lực vật lực của dân, khi huy động nên vừa phải, không nên nhiều quá lãng phí vô ích. Phải khôn khéo tránh điều gì có hại cho đời sống nhân dân. Biết giúp đỡ nhân dân cũng là biết tôn trọng dân”[4].
Trên cơ sở nhận thức “ lấy dân làm gốc”, ý thức tôn trọng Nhân dân phải luôn gắn chặt những “điều không nên” và những “điều nên” làm.
Giữa năm 1948, Hồ Chí Minh đã chỉ ra 6 điều “không nên làm” và 6 điều “nên làm”. Trong 6 điều “không nên làm” có những điều liên quan đến cuộc sống hàng ngày của Nhân dân, đáng chú ý là “không bao giờ sai lời hứa”, “không nên làm hoặc nói điều gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem khinh họ”. Những điều “nên làm” cũng liên quan đến công việc thực tế hàng ngày, đặc biệt là “làm cho dân nhận thấy mình là người đứng đắn, chăm công việc, trọng kỷ luật”.
Phát huy dân chủ là một khía cạnh biểu hiện ý thức tôn trọng Nhân dân. Trong chế độ Dân chủ Cộng hòa, dân là chủ, thì Chính phủ, Đảng, cán bộ từ trung ương đến địa phương đều phải phụng sự Nhân dân, là công bộc của dân, “sẵn sàng vui vẻ làm trâu ngựa, làm tôi tớ trung thành của nhân dân”[5]. Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Hồ Chí Minh nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, Nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, làm sao cho họ có năng lực làm chủ, biết hưởng, dùng quyền dân chủ, dám nói, dám làm. Dân chủ được Người giải thích ngắn gọn, súc tích là dân làm chủ và dân là chủ.
Hồ Chí Minh kiên trì xây dựng một nhà nước thật sự dân chủ - nhà nước của dân, do dân, vì dân. Mối quan tâm hàng đầu của Người là làm cho mọi người dân hiểu nhà nước mới, chế độ mới khác nhà nước cũ, chế độ cũ ở điều quan trọng nhất là giá trị dân chủ. Dân chủ tức là Nhân dân có quyền lợi làm chủ và phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân. Nước dân chủ, chế độ dân chủ thì bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, công việc đổi mới là trách nhiệm của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân. Trong nước dân chủ thì địa vị cao nhất là dân, dân là quý nhất, lực lượng Nhân dân là mạnh nhất.
Phát huy dân chủ là phát huy tài dân. Bởi vì, “dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”[6]. Muốn vậy, thì phải chịu khó nghe dân, gặp dân, hiểu dân, học dân, hỏi dân. Học hỏi dân để lãnh đạo dân. Theo Hồ Chí Minh “Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”[7].
Phát huy dân chủ là phải tìm mọi cách bàn bạc, giải thích cho dân hiều rõ. “Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”[8]. Phát huy dân chủ là tìm đủ mọi cách giải thích cho dân hiểu, ngay cả khi những việc đó trực tiếp có lợi cho dân. Giống như đem một cái bánh ngọt ngon lành bắt người ta ăn, mà nhét vào miệng người ta, thì ai cũng chán. Nếu làm theo cách hạ lệnh, cưỡng bức, thì dân không hiểu, dân oán. “Dân oán, dù tạm thời may có chút thành công, nhưng về mặt chính trị, là thất bại”[9]. Trên cơ sở tin vào dân, phát huy dân chủ “nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”[10].
Về chăm lo đời sống Nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh là vì con người, do con người, trước hết là vì dân và do dân. Người từng nói rằng “tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[11].
Cách mạng Tháng Tám thành công, một ngày sau Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách giải quyết những vấn đề đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Người nhấn mạnh “muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó khăn đến đâu, bởi những vấn đề đó quan hệ đến đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải giải quyết xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem đơn tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo... Nói tóm lại hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân thì phải được ta đặc biệt chú ý”.
Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh vẫn quan tâm “đầu tiên là công việc đối với con người”. Người dặn trong Di chúc “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Cần Thơ, ngày 30 tháng 05 năm 2021
Nguyễn Khắc Bình Tân
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.286.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.64-65.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.333.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.458.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd t.7, tr.50.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.335.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.6, tr.432.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.334.
[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.333.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.337-338.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.4, tr.187.