Ngày thống nhất đất nước, nhớ lời dạy của Hồ chủ tịch

Bốn mươi sáu năm trôi qua (30/4/1975 – 30/4/2021), nhưng cứ mỗi lần đến ngày 30/4, nhân dân ta từ khắp mọi miền đất nước, nhất là những người con Miền Nam luôn phấn khởi, vui mừng tự hào về thắng lợi của đại thắng mùa xuân 1975. Đó là ngày mà chiến tranh đã đi vào dĩ vãng, đất nước sạch bóng quân thù, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Ngần ấy thời gian, một khoảng thời gian không dài đối với một đất nước đã có hơn bốn ngàn năm lịch sử, cũng không quá ngắn để chúng ta hàn gắn vết thương chiến tranh và xây dựng đất nước, giữ gìn truyền thống và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

       Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta trải qua 21 năm đầy gian khổ và hy sinh đã giành thắng lợi, kết thúc 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc bảo vệ tổ quốc, chấm dứt ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lịch sử giải phóng dân tộc và thống nhất nước nhà. Quay ngược về lịch sử, 17 giờ ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Các cánh quân ta với sức mạnh áp đảo quân địch, mở cuộc tiến công đồng loạt từ các hướng tây bắc, bắc và đông bắc, đông và đông nam, tây và tây nam phối hợp với các đơn vị pháo binh biệt động, đặc công và lực lượng chính trị của đông đảo quần chúng. Sáng ngày 29/4, cuộc tổng công kích trên toàn mặt trận bắt đầu. 10 giờ 45 ta chiếm Dinh Tổng thống Ngụy, bắt sống toàn bộ Nội các chính quyền Sài Gòn. 11 giờ 30 phút, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, cờ Tổ quốc, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam tung bay trên nóc dinh Độc Lập, chế độ Ngụy quyền sụp đổ hoàn toàn. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân cả nước một lòng đã thực hiện thành công lời hiệu triệu và ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào. Tiến lên! Chiến sĩ đồng bào. Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”. Trên khắp các nẻo đường, các mặt trận vang lời ca hùng tráng “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng”. Với biết bao máu xương của cha ông, đồng chí, đồng bào đã đổ để non sông về một mối, đất nước trọn niềm vui.

          Chiến thắng 30/4/1975 là sự kiện chấn động thế giới, báo hiệu sự phá sản chủ nghĩa thực dân mới, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc. Là minh chứng hùng hồn về một Việt Nam đoàn kết nhất trí, một Việt Nam không ngại gian khổ hi sinh “Dù đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập” như lời kêu gọi vang vọng núi sông của Bác Hồ vĩ đại. Cái nhục đất nước đã rửa sạch, cái hoạ chia cắt đất nước không còn nữa, non sông đất nước thu về một mối, cả nước bước vào một kỷ nguyên mới: Độc lập, tự do, và chủ nghĩa xã hội.

            Bài học từ đại thắng 30/4 khẳng định tính đúng đắn, sáng tạo không ngừng trong đường lối lãnh đạo của Đảng. Cách mạng thành công là do ý Đảng, lòng dân hòa hợp, nhiệm vụ cách mạng được hun đúc trong khát vọng, ý chí của mọi tầng lớp nhân dân. Nghệ thuật chiến tranh nhân dân, nghệ thuật quân sự Việt Nam dựa vào thế đất, lòng dân mà làm nên sức mạnh và thường xuyên tổng kết kinh nghiệm thực tiễn, được phát triển lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn cách mạng hôm nay, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và nghệ thuật quân sự Việt Nam được đúc kết sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi vẫn mang đầy đủ giá trị cả về lý luận và thực tiễn, phải được kế thừa và vận dụng trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế.

       Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Trong bản Di chúc, Người đã nói lên niềm tin tất thắng vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; tổng kết sâu sắc những bài học đấu tranh và thắng lợi của cách mạng Việt Nam; đồng thời đề ra những phương sách lớn để xây dựng lại đất nước sau chiến tranh nhằm thực hiện mục tiêu: “Xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là những lời căn dặn cuối cùng đầy nhiệt huyết, thắm đượm tình người của một người cộng sản chân chính, một người chiến sĩ kiên trung đã hiến dâng cả cuộc đời vì nền độc lập cho dân tộc, thống nhất cho Tổ quốc. Kỷ niệm ngày thống nhất giang sơn, ôn lại chặng đường kháng chiến vinh quang do Bác Hồ lãnh đạo, mỗi người chúng ta càng nhớ Bác Hồ, nhớ những lời Người dạy nhiều hơn. Càng nhớ Bác, chúng ta càng phải cố gắng để giữ gìn non nước. Nhà thơ Tố Hữu từng bày tỏ: “Yêu Bác, lòng ta trong sáng hơn/ Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi…”. Lời thơ ấy đã nói lên tình cảm và nguyện ước của mỗi chúng ta đối với vị cha già dân tộc. Lẽ đó, để tỏ lòng biết ơn với cha ông, với Đảng, với Bác Hồ, mỗi chúng ta, mà đi đầu là cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, tự phê bình và phê bình… để thực hiện thật tốt mong ước cuối cùng trong Di chúc của Bác: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.

      Từ năm 2020 đến nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã sát cánh cùng nhân dân ứng phó với đại dịch Covid-19 có nhiều diễn biến phức tạp, đối phó thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn ở miền Trung. Lúc này đây toàn Đảng, toàn dân, toàn quân với tư tưởng chỉ đạo và phương châm hành động là “Chống dịch như chống giặc” cùng với tinh thần Ngày chiến thắng 30/4 và thông điệp của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến toàn dân: “Nếu tất cả chúng ta cùng đồng lòng, toàn dân Việt Nam cùng đồng lòng, toàn dân chống dịch thì không nhất định chúng ta sẽ chiến thắng như dân tộc Việt Nam đã nhiều lần chiến thắng”. Từ rất sớm, trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã luận giải:  “Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Đảng quy định ở giai đoạn nào thì phải dựa vào lực lượng nào, đoàn kết lực lượng nào, cô lập và phân hóa lực lượng nào, để tiêu diệt kẻ thù của giai cấp, của nhân dân. Khẩu hiệu chính trị đúng, thì toàn dân thấy rõ phương hướng, nhận rõ ai là bạn, ai là thù, đoàn kết chặt chẽ xung quanh Đảng, để đánh thắng kẻ thù của cách mạng. Vì vậy, khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” trong phòng, chống dịch COVID-19 là sự vận dụng sáng tạo chỉ dẫn quý báu đó của Người và tất yếu chúng ta sẽ sớm giành thắng lợi trước thứ giặc nguy hiểm này. Đồng thời, còn có thể khắc phục hậu quả do dịch bệnh gây ra, đem lại sự bình yên cho nhân dân, tiếp tục phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng nước Việt Nam hùng mạnh sánh vai với các nước phát triển trên thế giới như Bác hằng mong muốn.

     Gấp trang sử sách, với những tự hào cùng những biến cố lịch sử đó lại, nhưng mở ra là những điều mà các đảng viên, thế hệ trẻ cần cố gắng và nỗ lực để viết tiếp tương lai. Để làm sao xứng đáng với biết bao hi sinh, mất mát của cha ông đã cho chúng ta được sống trong hòa bình ngày hôm nay, như những câu thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông đã viết:

“Ta lại viết bài thơ trên báng súng

Con lớn lên đang viết tiếp thay cha

Người đứng dậy viết tiếp người ngã xuống

Người hôm nay viết tiếp người hôm qua”./.

                                                                                                                             ThS. Nguyễn Thanh Bình

 

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 4.

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tập 12.

(3) Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1999.