Ý nghĩa chương trình sân khấu hóa tác phẩm văn học, lịch sử
Với phương châm tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy gắn với nhu cầu thực tế của học sinh, đồng thời đưa gần hơn nữa bộ môn nghệ thuật sân khấu đến với các trường phổ thông trên địa bàn. Các tác phẩm được lựa chọn để sân khấu hóa được trích từ chương trình đào tạo phổ thông môn Ngữ văn và Lịch sử.
Trong chương trình đầu tiên này, Ban Tổ chức đã lựa chọn và chuyển thể một phần nội dung các sự kiện lịch sử trong giai đoạn 1945 -1954 thành hoạt cảnh, ca múa và trích đoạn cải lương.
Chương trình có thời lượng 40 phút, với lực lượng diễn viên chính là học sinh Trường THPT An Khánh. Các công tác tập huấn kỹ năng chuyển thể, kỹ thuật biểu diễn, dàn dựng chương trình, viết kịch bản, lựa chọn âm nhạc, hóa trang, tư vấn trang phục, đạo cụ, cảnh trí… do giảng viên, sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật đảm nhiệm.
Tiết mục mở màn với những câu hò đối đáp mênh mang sông nước. Khung cảnh thanh bình, gái trai miệt mài trên đồng ruộng ở Nam Bộ, sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 2-9-1945.
Niềm vui chưa được bao lâu, quân và dân Nam Bộ thành đồng đã phải "nóp với giáo mang ngang vai" tiến hành "Nam Bộ kháng chiến" bắt từ "Mùa thu rồi, ngày hăm ba"... Tiết mục "Nam Bộ kháng chiến" được dàn dựng công phu, các em học sinh biểu diễn rất hấp dẫn.
9 năm kháng chiến trường kỳ, đã có biết bao anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, bao tấm gương anh dũng vị quốc vong thân. Anh hùng, liệt sĩ Võ Thị Sáu, người con gái của quê hương Đất Đỏ là một tấm gương như thế. Trích đoạn cải lương "Võ Thị Sáu" với cảnh chị Võ Thị Sáu bị dẫn ra nơi xử bắn, chị đòi tháo bịt mắt để nhìn quê hương lần cuối, rồi chị bồi hồi nhớ mẹ, nhớ quê hương, khiến người xem xúc động. Em Tăng Thanh Bảo Ngọc, học sinh lớp 11, dù chưa một lần hát cải lương nhưng nhờ được tập luyện nên em sắm vai rất tốt, lấy nước mắt người xem.
Tiết mục "Hò kéo pháo" thể hiện chiến trường Điện Biện Phủ đầy khốc liệt.
9 năm kháng chiến trường kỳ khép lại bằng chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu. Thầy trò Trường THPT An Khánh ca múa "Giải phóng Điện Biên" của nhạc sĩ Đỗ Nhuận để gợi nhớ sự kiện lịch sử này.
Đông đảo các em học sinh đến xem và vỡ òa trước tiết mục quá xuất sắc, những bài học văn hóa, lịch sử rất ý nghĩa qua lời ca, tiếng hát. Những chiến dịch, sự kiện lịch sử trước đây các em được học qua sách vở, qua bài giảng của thầy cô, nay được tái hiện sinh động bằng nghệ thuật sân khấu hóa, qua chính các bạn bè của mình.
Nhiều phụ huynh cũng đến xem con biểu diễn. Bà Phan Thị Diễm Trang, mẹ Bảo Ngọc (thủ vai Võ Thị Sáu trong trích đoạn cải lương), khóc mướt vì lớp diễn quá ấn tượng của con gái. Bà Trang cho biết, bà không ngờ con biết diễn cải lương và có thể diễn được như thế. Một trích đoạn quá ấn tượng đối với bà.
Sau buổi diễn báo cáo này, Ban Tổ chức chương trình sẽ họp đánh giá, rút kinh nghiệm để thực hiện giai đoạn tiếp theo. Dự kiến ở giai đoạn sau, sẽ có nhiều trường tham gia thực hiện hơn, ở nhiều giai đoạn lịch sử và tác phẩm văn học khác nữa.
Tác giả : Đăng Huỳnh