Chiếc áo dài – Di sản văn hóa Việt Nam

Từ bao đời nay, áo dài của phụ nữ Việt Nam đã được coi là "quốc hồn quốc tuý" của dân tộc là một biểu tượng văn hóa Việt. Đó là trang phục không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của đất nước, của dân tộc. Chiếc áo dài làm tô thêm nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt, nét duyên dáng của người phụ nữ Á đông. Qua nhiều thời kỳ phát triển, tà áo dài không ngừng biến đổi nhưng vẫn đảm bảo tính truyền thống, góp phần tôn lên vẻ thanh lịch, dịu dàng, gợi cảm.

 

Viên chức, nhà giáo Trường CĐ VHNT CT hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”.

Nguồn ảnh: T. Phước

          Tà áo dài với vẻ đẹp thanh khiết, dịu dàng, vừa kín đáo vừa quyến rũ, đã đi vào thơ ca, nhạc họa và là niềm cảm hứng vô tận của bao thi nhân. Gắn với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, áo dài đang hướng đến các tiêu chí để được UNESCO công nhận là di sản văn hóa vật thể của nhân loại, cần gìn giữ và phát huy.

          Tuy chưa có văn bản chính thức nào quy định áo dài là quốc phục, nhưng từ xưa đến nay, trong tâm thức người Việt Nam và trong mắt bạn bè quốc tế thì tà áo dài truyền thống được xem là một biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hoá của dân tộc Việt. Áo dài được bạn bè quốc tế đánh giá là đẹp, lịch sự, giản dị và duyên dáng.  Áo dài là trang phục được chị em sử dụng trong nhiều sự kiện: từ những nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội, ngoại giao… cho đến biểu diễn nghệ thuật, ứng dụng hằng ngày, nhất là vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ festival, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước…

          Khác với những trang phục truyền thống của nhiều nước trên thế giới, mặc áo dài, phụ nữ Việt không cần tốn nhiều thời gian, lại đơn giản, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch. Có lẽ chính vì vậy mà áo dài - trang phục truyền thống đã “len lỏi” vào cuộc sống hằng ngày của phụ nữ Việt một cách tự nhiên và dễ dàng. Qua nhiều nghiên cứu, chiếc áo dài được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, vừa duyên dáng, gợi cảm như vậy.

Lê Nguyệt Quỳnh – Giảng viên Khoa Âm nhạc – Múa.           Nguồn ảnh: N. Quỳnh

          Vượt qua giá trị của chính mình trong vai trò một sản phẩm tiêu dùng, chiếc áo dài đã đạt đến một vai trò quan trọng hơn đó là một sản phẩm văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt , tâm hồn Việt, văn hóa Việt!

Viên chức, nhà giáo Trường CĐ VHNT CT hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài”.

Nguồn ảnh: T. Phước

          Hưởng ứng “Tuần lễ Áo dài” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, chào mừng thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, kỉ niệm 112 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ ( 8/3/1910 – 8/3/2022) và 1982 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. BCH Công đoàn Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ tổ chức hoạt động “Chụp ảnh với trang phục Áo dài”, nhằm tạo không khí vui vẻ, đoàn kết cho các cán bộ, viên chức, người lao động nữ nhà trường góp phần bảo tồn giá trị văn hóa Việt.

                                                                                                                                                                                     Lê Kim Chiều