Bàn thêm về nét đẹp của lễ vía bà Chúa xứ

Lễ hội vía bà Chúa Xứ

 


BÀN THÊM VỀ NÉT ĐẸP CỦA LỄ VÍA BÀ CHÚA XỨ

                                                                                                 TS. Trần Văn Nam

            Lễ hội vía bà Chúa Xứ ở Núi Sam, Châu Đốc, An Giang, diễn ra từ ngày 23 đến 27 tháng 4 âm lịch (25 là ngày chánh lễ), là một trong những lễ hội lớn nhất của Nam Bộ.

            Tầm vóc hoành tráng của lễ hội thể hiện ở nhiều mặt. Về thời gian, khách hành hương bắt đầu kéo về Núi Sam để chiêm ngưỡng Bà từ đầu tháng 4 (thậm chí là từ sau Tết Nguyên đán), cho nên có thể nói lễ hội kéo dài hàng tháng. Về không gian, nhân dân vùng Châu Đốc tham gia chuẩn bị mọi mặt cho việc tổ chức lễ và phục vụ người hành hương cũng như khách du lịch. Mặt khác, không chỉ người đồng bằng sông Cửu Long mà đồng bào các tỉnh miền Đông Nam Bộ và cả Trung Bộ cũng tham gia. Quan trọng hơn cả là trong tâm thức người miền Tây Nam bộ, Bà là "Mẹ xứ sở", là vị thần góp phần đem lại cuộc sống ấm no hạnh cho con người nơi đây. Biểu hiện dễ thấy của nét văn hóa tâm linh nầy ở chỗ, trong mùa lễ hội người dân đã đến đây cầu xin Bà những điều tốt lành với niềm tin “có tin có thiêng”. Thay vì vào chùa cầu tự, những cặp vợ chồng hiếm muộn cũng đến cầu Bà. Dù sao có niềm tin để sống vẫn mang một ý nghĩa nào đó…

            Thật ra, tín ngưỡng thờ mẫu là một tín ngưỡng truyền thống của người Việt từ ngàn xưa. Đó là tín ngưỡng Tam phủ, thờ Bà Trời - mẫu Thượng Thiên, Bà Đất -mẫu Thượng ngàn, Bà Nước- mẫu Thoải (Thuỷ). Cũng có thể nói là tín ngưỡng Tứ phủ, nếu tính thêm Chúa Liễu Hạnh (mẫu Liễu). Tín ngưỡng thờ mẫu của người Việt mạnh mẽ đến nỗi, đã góp phần âm tính hóa Phật giáo. Khác với Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Việt Nam có Phật Bà và dĩ nhiên có chùa Bà. Riêng ở Nam bộ, người dân sùng bái Bà Đen (Tây Ninh), Bà Nam Hải (Bạc Liêu và các vùng ven biển Nam Bộ), Bà Om (của người Khmer Trà Vinh)... Như vậy, tín ngưỡng Bà Chúa Xứ là sự nối tiếp của tín ngưỡng truyền thống.

            Sức mạnh của chất âm tính trong tín ngưỡng dân gian còn thể hiện trong cách tiếp nhận tượng thần. Các nhà khảo cổ cho biết, tượng Bà hiện nay đang thờ trong miễu là tượng được tạc bằng đá xanh (không phải đá ở núi Sam) từ nơi khác chuyển đến. (Tạm thời không bàn về giả thiết nói rằng tượng có nguồn gốc Ấn Độ, với những linga-yoni bên phải tượng, đường nét nghệ thuật trung cổ Ấn Độ). Chúng tôi muốn nhấn mạnh, đây là tượng nam thần. Tượng nam thần nhưng lại được người dân gọi và tin là Bà. Niềm tin nầy gắn với một truyền thuyết kể rằng, một vị nữ thần tự xưng là Bà Chúa Xứ báo mộng với người dân làng Vĩnh Tế, bảo chọn 9 cô gái đồng trinh lên đỉnh núi Sam đưa tượng Bà về thờ, Bà sẽ phù hộ cho dân sống an bình. Sức mạnh của tín ngưỡng thờ mẫu đã khiến người ta nghĩ đến Bà Chúa xứ chứ không phải là “Ông Chúa Xứ”. Có phải chăng, truyền thống văn hóa nông nghiệp, với đặc trưng trọng tình cảm, trọng phụ nữ, cư dân cảm thấy Bà - Mẹ bao giờ cũng gần gũi hơn.

            Chúng tôi muốn nói thêm về lễ Rước sắc thần trong quy trình lễ thức. Trước khi lễ túc yết diễn ra, thì sắc thần được rước từ lăng Thoại Ngọc Hầu về miễu Bà. (Thực ra, sắc của vua phong cho Thoại Ngọc Hầu không còn, đây chỉ là rước bài vị của ngài, của hai phu nhân và các quan cùng theo ngài trấn thủ Vĩnh Thanh). Khi đến ngày cuối (16 giờ, ngày 27 tháng 4), sắc thần được đưa trả về lăng, gọi là lễ Hồi sắc. Lễ túc yết trong nghi lễ tế thần bao giờ cũng mang ý nghĩa tạ ơn và cầu xin thần linh. Vậy thì, người dân tạ ơn và cầu xin cả Bà Chúa Xứ lẫn Thoại Ngọc Hầu. Ở đây có sự hội ngộ giữa nhân thần và thần tự nhiên. Việc dân chúng ghi ơn Thoại Ngọc Hầu thì không cần bàn thêm. Nhưng tại sao có sự hội ngộ nầy, là điều đáng suy gẫm. Có điều, truyền thuyết kể rằng, mỗi khi Tướng công Thoại Ngọc Hầu ra trận, các phu nhân đến miễu Bà khấn vái, cầu Bà phù hộ... Về sau, vợ Thoại Ngọc Hầu cho xây lại miễu khang trang hơn, lễ khánh thành diễn ra vào các ngày 24, 25, 26 tháng 4 âm lịch. Từ đó dân chúng lấy ngày nầy làm lễ vía Bà.

            Lễ vía Bà Chúa xứ là sinh hoạt văn hóa đẹp của người Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng của Nam Bộ nói chung. Ở đây chúng tôi chỉ nêu lên một vài cảm nhận về nét đẹp của nó./.