Vai trò âm nhạc trong nghệ thuật múa
Âm nhạc cổ điển đã đóng góp vai trò vô cùng to lớn trong sự ra đời và phát triển của nghệ thuật Múa.
Từ thuở sơ khai, múa đã luôn gắn liền với âm nhạc, từ những tiếng gõ đập thời nguyên thủy cho đến những bài dân ca, dân vũ có giai điệu rõ ràng, từ những bản giao hưởng hoành tráng cho đến âm nhạc hiện đại, đương đại. Múa và nhạc luôn gắn bó với nhau trong cùng một dòng chảy, cùng hòa quyện với nhau để làm nên một thứ tiếng nói của tâm hồn, vượt qua mọi rào cản biên giới, ngôn ngữ.
Âm nhạc cổ điển đã đóng góp vai trò vô cùng to lớn trong sự ra đời và phát triển của nghệ thuật Múa. Các nhạc sĩ thiên tài của trường phái âm nhạc cổ điển: Henden, Bach, Beethoven đã sáng tác rất nhiều tác phẩm âm nhạc gắn liền với các thể loại nhảy múa thời đó. Những điệu nhảy tập thể và nhảy đơn được sắp xếp cân đối trong tác phẩm âm nhạc, ví dụ như chương đầu và chương cuối của tác phẩm thường được viết cho những điệu nhảy múa tập thể, còn những chương giữa là các điệu nhảy múa đơn, nhảy múa đôi. Đây chính là nền móng cho sự ra đời và phát triển của bộ môn nghệ thuật múa Ballet, hay còn gọi là kịch múa sau này. Cùng với sự phát triển của nền nghệ thuật múa cổ điển châu Âu, chúng ta không thể không nhắc tới các nhạc sĩ như Tchikovsky, Prokophiev, Soxtacovich, Minkus, Bizet v.v… Các ông đã để lại cho kho tàng nghệ thuật thế giới những tác phẩm âm nhạc bất hủ viết riêng cho múa, đó là Hồ Thiên Nga, Kẹp Hạt Dẻ, Romeo và Juliet, Don Quixote, Carmen,…
Song hành cùng nền âm nhạc bác học, nền âm nhạc dân gian và nghệ thuật múa Dân gian cũng giữ một vị trí vô cùng to lớn và quan trọng, là tài sản to lớn của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Có thể nói múa dân gian và âm nhạc dân gian là một sự sóng đôi tất yếu. Mỗi dân tộc, khi có múa dân gian thì luôn có âm nhạc dân gian kèm theo như bóng với hình. Khi xem một điệu múa dân gian cùng với sự vang lên của âm nhạc, không cần giới thiệu, người xem cũng có thể đoán ra được đó là điệu múa của nước nào, dân tộc nào. Âm nhạc và múa là sự kết hợp hài hòa giữa nghe và nhìn, mang đến cho người xem sự thông hiểu và cảm xúc, âm nhạc và múa không dùng ngôn từ nhưng vẫn truyền đạt được nội dung, tư tưởng, tình cảm mà tác giả cũng như tác phẩm muốn nói. Chính vì vậy, ta có thể nói âm nhạc và múa là nghệ thuật không biên giới.
Ngày nay, song hành cùng âm nhạc hiện đại, múa đương đại cũng là một thể loại đang rất phát triển và được ưa chuộng trên khắp thế giới. Với phong cách tự do, phóng khoáng, diễn tả chân thực cuộc sống, múa đương đại đã mang đến cho chúng ta một hơi thở mới, một nhịp sống sôi động và tràn đầy sinh lực. Âm nhạc dành cho múa đương đại cũng được các nhà biên đạo sử dụng rất phong phú và đa dạng. Những tác phẩm âm nhạc đặc chất cổ điển của Bach, Mozart được kết hợp với những ca khúc trữ tình hiện đại tạo nên những cảm xúc rất tinh tế cho người xem, đồng thời múa cũng giúp cho người xem được hiểu và cảm nhận rõ hơn về nền âm nhạc bác học mà xưa nay vẫn được coi là khó nghe.
Trong thế giới âm nhạc rộng lớn ấy, âm nhạc dành cho múa là một không gian riêng, không kém phần lộng lẫy, giàu có và phong phú. Nhạc tìm thấy ở múa như là một người bạn thân thiết, cũng như múa tìm thấy ở nhạc một nguồn cảm hứng không bao giờ cạn. Không thể tìm thấy một điệu múa nào thiếu vắng đi âm nhạc, ngay cả trong những khoảng lặng rất dài trong các tác phẩm đương đại, khi không có một âm thanh của bất cứ một nhạc cụ nào vang lên. Múa vẫn tìm thấy âm nhạc khi đang trong nguồn cảm hứng thinh lặng. Và người thưởng thức cũng có thể cảm nhận rõ ràng âm nhạc đang lấy chính múa làm thành một nhạc cụ độc đáo cho mình để cất lên những âm thanh huyền diệu trong tuyệt đối vô thanh.
Tác giả: Lý Thiên Phương